Từ khóa: Hóa đơn
Một số nội dung cần lưu ý về xuất hóa đơn điện tử từng lần đối với doanh nghiệp kinh doanh bán lẻ xăng dầu 2025
1.Căn cứ pháp lý về hóa đơn:
Theo quy định khoản 1 Điều 90 Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14 về nguyên tắc lập, quản lý, sử dụng hóa đơn điện tử:
“1. Khi bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ, người bán phải lập hóa đơn điện tử để giao cho người mua theo định dạng chuẩn dữ liệu và phải ghi đầy đủ nội dung theo quy định của pháp luật về thuế, pháp luật về kế toán, không phân biệt giá trị từng lần bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ.”
Tại điểm i khoản 4 Điều 9 Nghị định số 123/2020/NĐ-CP 19/10/2020 của Chính phủ về hóa đơn, chứng từ quy định:
“i) Thời điểm lập hóa đơn điện tử đối với trường hợp bán xăng dầu tại các cửa hàng bán lẻ cho khách hàng là thời điểm kết thúc việc bán xăng dầu theo từng lần bán. Người bán phải đảm bảo lưu trữ đầy đủ hóa đơn điện tử đối với trường hợp bán xăng dầu cho khách hàng là cá nhân không kinh doanh, cá nhân kinh doanh và đảm bảo có thể tra cứu khi cơ quan có thẩm quyền yêu cầu.”
Ngày 20/03/2025, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 70/2025/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 123/2020/NĐ-CP.
+ Tại điểm a khoản 7 Điều 1 sửa đổi, bổ sung khoản 5 Điều 10 Nghị định số 123/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 như sau:
“Điều 1. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 123/2020/NĐ-CP ngày 19 tháng 10 năm 2020 của Chính phủ quy định về hóa đơn, chứng từ
…7. Sửa đổi, bổ sung khoản 5…Điều 10… như sau:
a) Sửa đổi, bổ sung khoản 5 như sau:
“5. Tên, địa chỉ, mã số thuế hoặc mã số đơn vị có quan hệ với ngân sách hoặc số định danh cá nhân của người mua
a) Trường hợp người mua là cơ sở kinh doanh có mã số thuế thì tên, địa chỉ, mã số thuế của người mua thể hiện trên hóa đơn phải ghi theo đúng tại giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, giấy chứng nhận đăng ký hoạt động chi nhánh, giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh, giấy chứng nhận đăng ký thuế, thông báo mã số thuế, giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, giấy chứng nhận đăng ký hợp tác xã; trường hợp người mua là đơn vị có quan hệ ngân sách thì tên, địa chỉ, mã số đơn vị có quan hệ ngân sách thể hiện trên hóa đơn phải ghi mã số đơn vị có quan hệ với ngân sách được cấp…
b) Trường hợp người mua không có mã số thuế thì trên hóa đơn không phải thể hiện mã số thuế người mua. Một số trường hợp bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ đặc thù cho người tiêu dùng là cá nhân quy định tại khoản 14 Điều này thì trên hóa đơn không phải thể hiện tên, địa chỉ người mua. Trường hợp bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ cho khách hàng nước ngoài đến Việt Nam thì thông tin về địa chỉ người mua có thể được thay bằng thông tin về số hộ chiếu hoặc giấy tờ xuất nhập cảnh và quốc tịch của khách hàng nước ngoài. Trường hợp người mua cung cấp mã số thuế, số định danh cá nhân thì trên hóa đơn phải thể hiện mã số thuế, số định danh cá nhân.””
+ Tại điểm d khoản 7 Điều 1 sửa đổi, bổ sung khoản 14 Điều 10 Nghị định số 123/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 như sau:
“7. Sửa đổi, bổ sung … điểm c khoản 14 Điều 10… như sau:
…d) Sửa đổi, bổ sung điểm c và bổ sung điểm l vào khoản 14 như sau:
…“c) Đối với hóa đơn điện tử bán hàng tại siêu thị, trung tâm thương mại mà người mua là cá nhân không kinh doanh thì trên hóa đơn không nhất thiết phải có tên, địa chỉ, mã số thuế người mua, chữ ký số của người mua.
Đối với hóa đơn điện tử bán xăng dầu cho khách hàng là cá nhân không kinh doanh thì không nhất thiết phải có các chỉ tiêu: Tên, địa chỉ, mã số thuế của người mua, chữ ký số của người mua.””
Theo đó, từ ngày 01/06/2025, các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu khi phát hành HĐĐT phải có đầy đủ thông tin của người bán: số hóa đơn, ký hiệu hóa đơn, tên, địa chỉ, chữ ký số .... (trước đây không nhất thiết phải có các chỉ tiêu này). Trên hóa đơn có thể cập nhật thêm mã định danh cá nhân của người mua hoặc mã số đơn vị có quan hệ với ngân sách. Doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu phải chuyển nguyên trạng HĐĐT đã phát hành từng lần bán hàng về cơ quan thuế (thay vì chuyển bảng tổng hợp như trước đây).
2. Quy định xử phạt vi phạm hành chính về thuế, hóa đơn:
- Trường hợp phải xử phạt hành chính, căn cứ Nghị định số 125/2020/NÐ-CP ngày 19/10/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về thuế, hóa đơn:
+ Hành vi không lập hóa đơn khi bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ cho người mua theo quy định: bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng (quy định tại Điều 24).
+ Hành vi lập hóa đơn không đúng thời điểm: bị phạt tiền lên đến 8 triệu đồng (quy định tại Điều 24).
+ Hành vi lập hóa đơn không ghi đầy đủ các nội dung bắt buộc trên hóa đơn theo quy định: bị phạt tiền từ 4.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng (quy định tại điểm h khoản 3 Điều 1 Nghị định 102/2021/NĐ-CP ngày 16/11/2021 bổ sung khoản 4 Điều 24 Nghị định số 125/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 của Chính phủ)
+ Hành vi sử dụng hóa đơn, chứng từ không hợp pháp/sử dụng không hợp pháp hóa đơn chứng từ như: sử dụng hóa đơn, chứng từ giả; chưa có giá trị sử dụng, hết giá trị sử dụng; không ghi đầy đủ các nội dung bắt buộc theo quy định; không phản ánh đúng giá trị thực tế phát sinh hoặc lập hóa đơn “khống”; hóa đơn để quay vòng khi vận chuyển hàng hóa; sử dụng để hợp thức hóa hàng hóa, dịch vụ mua vào, bán ra:... bị phạt tiền từ 20 – 50 triệu đồng (quy định tại Điều 4 và Điều 28).
- Trường hợp phải truy cứu trách nhiệm hình sự về tội in, phát hành, mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách nhà nước, cơ quan chức năng thì xử lý theo Ðiều 203, Bộ luật Hình sự năm 2015.